Các phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến

Sẹo lồi là một trong những loại sẹo khó điều trị và có tỷ lệ tái phát cao. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo lồi từ điều trị nội khoa, ngoại khoa đến phương pháp vật lý, mỗi loại sẽ có những ưu và nhược điểm riêng và phù hợp với từng tình trạng sẹo lồi khác nhau. Tuy nhiên, chưa có phương pháp nào đạt 100% hiệu quả nên việc sẹo lồi tái phát vẫn có thể xảy ra vài năm sau đó. Dưới đây là các phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến.

Thuốc bôi hoặc dán tại chỗ

Sản phẩm từ silicone dùng để bôi hoặc dán tại chỗ
Có rất nhiều sản phẩm silicone dùng để bôi và dán lên vết sẹo lồi giúp làm giảm kích thước và màu sắc của vết sẹo. Khi được bôi hoặc dán lên vết sẹo, silicone hoạt động bằng cách làm tăng nhiệt độ, giữ ẩm và gây áp lực oxy lên vết sẹo bị che khuất (oxy thấp) khiến vết sẹo mềm ra và phẳng đi. Theo nghiên cứu, silicone y tế có thể khả năng ức chế tăng sinh collagen và sửa chữa các mạch máu bị vỡ, đây là nguyên nhân khiến sẹo có màu đỏ và bị sưng.
Các loại sản phẩm silicone dùng tại chỗ được bào chế dưới dạng gel silicon trị sẹo và miếng dán silicon ép sẹo. Những sản phẩm này có thể dùng cho các vết sẹo vẫn còn hồng và đang lành cũng như các vết sẹo lồi cũ, đặc biệt an toàn cho mọi người ở mọi lứa tuổi và màu da. Tuy nhiên, phương pháp này cần thời gian từ 6 đến 12 tháng để nhận thấy hiệu quả mong muốn.

Băng keo Cordran 
Loại băng này có chứa Flurandrenolide - một loại corticostertoid mạnh để sử dụng tại chỗ. Loại băng này thường được chỉ định dán trên sẹo lồi từ 12-20 giờ một ngày có giúp làm mềm và phẳng sẹo lồi. Ngoài ra, Cordran cũng giúp sẹo hết ngứa.

Imiquimod 5% 
Imiquimod 5% đã cho kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị sẹo lồi sau khi cắt bỏ. Sản phẩm này ở dạng kem, gây sản xuất tại chỗ Interferon tại vị trí bôi thuốc. Nên bắt đầu bôi Imiquimod ngay sau khi cắt bỏ sẹo lồi và bôi hằng ngày liên tục trong 8 tuần. Trong một số nghiên cứu, hầu như tỉ lệ tái phát trong vòng một năm đều là 0%.

Phương pháp cột thắt

Cột thắt sẹo có thể được dùng cho những vết sẹo lồi có cuống ở những vị trí không thể cắt được hoặc bệnh nhân không cho cắt, ví dụ ở tai. Bác sĩ sẽ cột chặt một loại chỉ khâu không tiêu quanh đáy sẹo và thay chỉ mỗi 1-2 tuần. Những cọng chỉ này ngày càng ăn sâu vào gốc sẹo và sẽ làm cho gốc sẹo bị rơi ra. Một số trường hợp cần dùng thêm thuốc giảm đau vài ngày khi thắt.

Tiêm corticosteroid

Tiêm corticosteroid để phòng ngừa và điều trị sẹo lồi là phương pháp mà nhiều bác sĩ lựa chọn. Corticosteroid sẽ ức chế viêm, tăng hiện tượng co mạch trong vết sẹo và giúp co nhỏ vết sẹo. Bệnh nhân thường được tiêm lặp lại vài lần cách nhau từ 3-4 tuần tùy theo diễn tiến của sẹo lồi và các tác dụng phụ sau tiêm có xảy ra hay không. Lưu ý khi tiêm cần tiêm đúng kỹ thuật, đâm kim và bơm thuốc vào đến tận lớp nhú bì, nơi tạo ra chất collagenase (những enzyme tiêu diệt collagen) do đó sẽ làm thoái hóa collagen. Không nên tiêm corticosteroid vào mô dưới da vì có thể làm teo mất lớp mỡ bên dưới. Quy trình tiêm thường mất khoảng 15 phút và không cần gây mê. Các mũi tiêm đầu tiên thường sẽ làm dịu các triệu chứng và khiến sẹo lồi mềm hơn. Khoảng 50-80% sẹo lồi sẽ co lại sau khi được tiêm, tuy nhiên nhiều vết sẹo có thể mọc lại trong vòng 5 năm sau tiêm. Do đó, để đặt hiệu quả điều trị cao, các bác sĩ thường kết hợp tiêm với các phương pháp khác như áp lạnh bằng khí ni tơ lỏng hoặc dùng miếng dán silicone RemScar TR.

Xạ trị ngoài

Xạ trị ngoài là phương pháp xạ trị liều thấp, sử dụng chùm ánh sáng hội tụ được gọi là tia X nông để phát hủy các tế bào sản xuất collagen và hạn chế sự phát triển của các tế bào mới. Những tia X chuyên dụng này sẽ không thâm nhập vào các lớp sâu của da vì vậy không ảnh hưởng đến các mô lành khác. Xạ trị là một quá trình không đau, tùy thuộc vào vị trí của sẹo lồi mà bạn có thể nằm hoặc ngồi khi điều trị. Bác sĩ sẽ dùng một chiếc tạp dề chỉ để phủ lên vùng da xung quanh nhằm bảo vệ chúng khỏi bức xạ, sau đó đặt máy xạ trị trực tiếp lên sẹo lồi. Quá trình điều trị mất chưa đến 10 phút. Sau đó bác sĩ có thể băng sẹo lại để tránh nhiễm trùng và bảo vệ nó khỏi ánh sáng mặt trời. Tùy vào kích thước vết sẹo mà bác sĩ sẽ xác định liệu có cần thực hiện nhiều hơn 1 lần xạ trị hay không và liệu có phải phẫu thuật cắt bỏ sẹo trước khi xạ trị hay không cũng như nhận định kết quả của buổi xạ trị đầu tiên. Tác dụng phụ tạm thời có thể là đỏ và đau tại vị trí điều trị.

Có thể chỉ áp dụng xạ trị ngoài để giảm kích cỡ vết sẹo hoặc được kết hợp sau khi phẫu thuật cắt bỏ, trong trường hợp này xạ trị thường được khuyên thực hiện trong vòng 24 đến 48 tiếng sau phẫu thuật để đạt kết quả tốt nhất.

Điều trị bằng laser

Nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân nên điều trị bằng laser để làm nhạt màu đỏ và tình trạng sậm màu ở vết sẹo cũng như làm phẳng vết sẹo.

Laser xung nhuộm màu (bước sóng 585-595nm) 
Đây là liệu pháp hiệu quả giúp giảm tình trạng đỏ và đổi màu ở vết sẹo ngay cả khi sẹo đã lành từ lâu. Bác sĩ sẽ chiếu chùm ánh sáng hội tụ cường độ cao vào vùng da bị sẹo, năng lượng phát ra từ tia laser sẽ tiêu hủy mạch máu nuôi dưỡng sẹo, làm cho mạch máu trong mô sẹo co lại, gây thiếu máu cục bộ vùng sẹo, làm mềm, ngưng phát triển và giảm dần kích thước cũng như độ dày của sẹo. Quá trình này cũng khiến vết sẹo sáng màu hơn vì các mạch máu chính là nguyên nhân khiến vết sẹo bị đỏ và đổi màu. Sau nhiều phiên điều trị màu của vết sẹo có thể tệp dần với màu da xung quanh. Quá trình điều trị khá an toàn và gây ít tác dụng phụ. Bệnh nhân có thể bị bầm nhẹ quanh vùng sẹo, tình trạng này sẽ mất dần trong một hoặc hai ngày.

Laser CO2 phân tách
Loại laser này sử dụng chùm ánh sáng năng lượng cao để tăng tốc quá trình tẩy da chết cũng như sửa chữa da và để loại bỏ các lớp da bên ngoài bị sẹo hoặc đổi màu. Thay vì tái tạo hoàn toàn về mặt khu vực đang được điều trị bằng cách phát ra các chùm tia laser hội tụ cực nhỏ tách đều nhau, laser CO2 phân tách chỉ tác động đến một phần bề mặt của da, để lại những vùng da lành khỏe mạnh giúp quá trình lành thương điễn ra nhanh hơn. Tùy vào kết cấu và kích thước của vết sẹo mà có thể cần thực hiện nhiều phiên. Bệnh nhân thường được lên kế hoạch thực hiện mỗi 6 đến 8 tuần.
Sau mỗi lần điều trị bằng laser bác sĩ sẽ băng vùng sẹo vào. Bệnh nhân có thể bị sưng, đỏ, ngứa tạm thời nhưng tình tạng này sẽ thuyên giảm trong 5-7 ngày khi lớp da trên cùng bắt đầu bong tróc. Bệnh nhân thường được khuyên giữa ẩm và giữ sạch da trong quá trình liền vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng, đồng thời bôi kem chống nắng cũng như hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Mặc dù cũng mang lại hiệu quả nhưng laser CO2 khi được dùng một mình có tỉ lệ tái phát khá cao tầm 40-90%. Công dụng chủ yếu của phương pháp này là làm xẹp và giảm kích thước của vết sẹo lồi lớn để chúng có thể được điều trị bằng những biện pháp khác.

Phẫu thuật lạnh (liệu pháp áp lạnh)

Phương pháp này sẽ làm đông lạnh vết sẹo lồi bằng khí ni tơ lỏng, hủy hoại tế bào và các mao mạch. Khi điều trị sẽ dẫn tới tình trạng thiếu oxy làm mô sẹo bị hoại tử tróc ra và xẹp xuống. Liệu pháp áp lạnh có 3 kỹ thuật trong đó kỹ thuật áp hoặc phun khí ni tơ lỏng lên vết sẹo thường hiệu quả với các vết sẹo lồi nhỏ, còn kỹ thuật đông lạnh bên trong mô sẹo thường hiệu quả với các vết sẹo lồi lớn hơn. Ngoài việc điều trị riêng lẻ, liệu pháp áp lạnh có thể được sử dụng trước khi tiêm steroid để làm mềm vết sẹo lồi cứng khiến cho quá trình tiêm dễ dàng hơn và giúp phân tán thuốc corticosteroid tốt hơn.

Sẹo lồi sau phẫu thuật lạnh được 1 tuần sẽ xuất hiện tình trạng hoại tử và khô lại. Từ 2-8 tuần tiếp theo, lớp sẹo đã hoại tử sẽ bong ra và bắt đầu tái tạo lớp mô biểu bì. Liệu trình của phương pháp áp lạnh thường kéo dài từ 3-10 tuần tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Phẫu thuật cắt bỏ

Một trong những phương pháp thường được áp dụng nhất để loại bỏ sẹo lồi là phẫu thuật cắt bỏ rồi tiêm Corticosteroid. Hầu hết những sẹo lồi đã cắt đều cần phải thực hiện các biện pháp điều trị bổ sung như: tiêm Corticosteroid vào vết thương, miếng dán silicon trị sẹo, bôi gel silicone, bôi kem Imiquimod hoặc tiêm Interferon. 

Có 2 kỹ thuật cắt bỏ sẹo lồi bao gồm: cắt bên trong viền vết sẹo và cắt bên ngoài viền vết sẹo. Cắt bên trong viền vết sẹo nghĩa là cắt bỏ phần sẹo lồi ở giữa - phần lắng đọng collagen nhiều nhất để lại các viền ngoài của vết sẹo, còn cắt bên ngoài viền là cắt bỏ toàn bộ vết seo lồi bao gồm cả viền của nó, kết quả sẽ để lại đường sẹo to hơn. Theo các bác sĩ, việc cắt ở bên trong và để lại phần rìa sẹo giống như để lại một "thanh nẹp” giúp giảm lực căng da và có thể giảm kích thích tổng hợp collagen, đồng thời ít ảnh hưởng đến mô lành lân cận hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy việc cắt bỏ không hết như này có liên quan đến tỉ lệ tái phát cao hơn, do đó nhiều người ủng hộ kỹ thuật cắt bỏ hoàn toàn vết sẹo.

Với những vết sẹo lồi nhỏ bác sĩ sẽ chỉ cần cắt bỏ vùng mô sẹo nhô lên, sau đó chỉ định tiêm thêm Corticosteroid để phá hủy cấu trúc tổ chức, làm teo giảm nó rồi khâu các mép da lại. Nhưng với các vết sẹo có kích cỡ trung bình bác sĩ có thể cần áp dụng kỹ thuật chuyển vạt da lân cận, đồng thời kết hợp thêm các kỹ thuật xóa sẹo lồi khác để mang lại kết quả tốt nhất. Với những vết sẹo lồi kích thước quá lớn, bác sĩ có thể phải thực hiện kỹ thuật ghép da tự thân (hoặc dùng da nhân tạo). Vạt da khỏe mạnh sẽ được lấy ở vùng mông hoặc đùi, sau đó ghép vào vùng hở của vết sẹo vừa cắt, và khâu đóng lại. Trong những trường hợp xác định vết sẹo sau khi cắt đi sẽ không thể khâu đóng được vì quá căng da, bác sĩ sẽ chèn vào bên dưới mô sẹo chất làm giãn da. Hiện tượng giãn da sẽ diễn ra dần dần, cho phép cắt bỏ vết sẹo và khâu đóng lại trong khi không làm căng da (tình trạng căng và giãn da quá mức sau khi cắt cũng là nguy cơ lớn gây tái phát sẹo lồi).

Sau phẫu thuật cắt bỏ bác sĩ sẽ dùng băng (gạc) vô trùng để băng lên vết thương. Nếu vùng phẫu thuật rộng bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc giảm đau để quá trình phục hồi thoải mái hơn. Bệnh nhân sẽ được lên lịch hẹn tái khám sau 6-8 ngày để đánh giá tình trạng lành thương, cũng như có thể cần cắt chỉ. Sau 6-8 tuần, da sẽ lành lại và xuất hiện một vết sẹo mới, nhỏ hơn, phẳng, có màu sắc mờ dần tập với màu của vùng da xung quanh. Quá trình lành thương hoàn toàn có thể mất khoảng 1 năm. Trong thời gian này bệnh nhân nên xắp xếp thăm khám để theo dõi và có thể cần điều trị bổ sung. Nếu cần các bác sĩ có thể tiêm corticosteroid nếu nhận thấy sẹo lồi hoặc sẹo phì đại hình thành sau phẫu thuật. Nếu bạn có tiền sử bị sẹo lồi, bác sĩ sẽ lên kế hoạch tiêm corticosteroid vào mô sẹo nhiều lần sau phẫu thuật nhằm ngăn ngừa tái phát. Ngoài ra các bác sĩ có thể đề nghị xạ trị ngoài để ngăn ngừa triệt để sẹo lồi hình thành.

Nguồn: Tham khảo

>