Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch

Làm thế nào để tăng cường hệ miễn dịch

Những cách hữu ích giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch và chống lại bệnh tật

Làm thế nào để cải thiện hệ miễn dịch? Nói ngắn gọn, hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn và vi-rút gây bệnh, nhưng đôi khi nó không thể làm tốt nhiệm vụ này: Một loại vi khuẩn hay vi-rút xâm nhập vào cơ thể bạn khiến bạn bị bệnh. Vậy có thể can thiệp vào quá trình này và tăng cường hệ miễn dịch hay không? Nếu bạn cải thiện chế độ ăn uống của mình thì sao? Uống một số loại vitamin hoặc các chế phẩm thảo dược có tốt không? Sẽ như thế nào nếu bạn thực hiện việc thay đổi lối sống của mình?

Làm gì để tăng cường khả năng miễn dịch được chứng minh là không dễ đạt được vì một số lý do. Hệ miễn dịch chính xác là một hệ thống chứ không phải một thực thể đơn lẻ, đòi hỏi sự cân bằng và hài hòa để có thể hoạt động tốt. Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa lối sống và chức năng miễn dịch được tăng cường. Nhưng không có nghĩa là tác động của lối sống đối với hệ miễn dịch là không được chú ý và không nên được nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đang khám phá ảnh hưởng của chế độ ăn uống, tập thể dục, tuổi tác, tình trạng căng thẳng tâm lý và các yếu tố khác đối với phản ứng miễn dịch ở cả động vật và con người. Trong khi đó, các chiến lược sống lành mạnh nói chung là phù hợp vì chúng có khả năng hỗ trợ chức năng miễn dịch và chúng đi kèm với các lợi ích sức khỏe khác đã được chứng minh.

Những cách lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch

Một lối sống lành mạnh là tuyến phòng thủ đầu tiên mà bạn nên chọn. Thực hiện các hướng dẫn chung về sức khỏe là bước tốt nhất mà bạn có thể làm để giữ cho hệ miễn dịch của mình hoạt động bình thường theo tự nhiên. Dưới đây là một số cách lành mạnh giúp bảo vệ mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn trước các tác động của môi trường:

  • Không hút thuốc.
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ.
  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Nếu bạn uống rượu, hãy uống vừa phải.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Thực hiện các bước để tránh nhiễm trùng, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên và nấu chín kỹ các loại thịt.
  • Cố gắng giảm thiểu căng thẳng.
  • Luôn cập nhật tất cả các loại vắc-xin được khuyến nghị bởi vắc-xin sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn chống lại vi-rút gây bệnh nhiễm trùng trước khi chúng xâm nhập vào cơ thể của bạn.

Tăng khả năng miễn dịch bằng phương pháp tăng số lượng tế bào

Trên thực tế, làm tăng số lượng tế bào miễn dịch hay những tế bào khác vào cơ thể không hẳn là cách tốt. Ví dụ, các vận động viên thực hiện kỹ thuật “doping máu”, tức là tiêm máu vào cơ thể của họ để làm tăng số lượng tế bào máu và làm tăng khả năng thi đấu cũng có nguy cơ bị đột quỵ.

Do đó, gia tăng các tế bào trong hệ miễn dịch được coi là hết sức phức tạp, vì có rất nhiều loại tế bào khác nhau trong hệ miễn dịch phản ứng với rất nhiều vi khuẩn khác nhau theo nhiều cách khác nhau. Nên tăng cường những tế bào nào, với số lượng bao nhiêu là câu hỏi cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời. Theo khoa học, cơ thể liên tục tạo ra các tế bào miễn dịch và chắc chắn tạo ra nhiều tế bào lympho hơn số lượng mà nó có thể sử dụng. Các tế bào thừa tự động loại bỏ thông qua quá trình chết tế bào tự nhiên hay còn được gọi là chết tế bào theo chương trình. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho hay về số lượng tế bào hoặc sự phối hợp tế bào nào là tốt nhất mà hệ miễn dịch cần để hoạt động ở mức tối ưu.

Hệ miễn dịch và tuổi tác

Khi chúng ta già đi, khả năng phản ứng miễn dịch của chúng ta bị suy giảm góp phần gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng và bệnh ung thư hơn. Theo kết luận của nhiều nghiên cứu, mặc dù một số người già đi lại một cách khỏe mạnh, nhưng họ vẫn có nhiều khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm và thậm chí có nhiều khả năng tử vong vì các bệnh này hơn so với những người trẻ. Nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cúm, COVID-19 và đặc biệt là viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trên 65 tuổi trên thế giới. Tuy không biết chắc chắn lý do tại sao, nhưng một số nhà khoa học quan sát thấy rằng nguy cơ tử vong tăng cao có thể tương quan với việc tuyến ức bị teo theo tuổi tác và sản xuất ít tế bào T hơn để chống lại nhiễm trùng. Một số nhà khoa học khác lại quan tâm đến việc liệu tủy xương có trở nên kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất các tế bào gốc tạo ra các tế bào của hệ miễn dịch hay không.

Giảm phản ứng miễn dịch đối với các bệnh nhiễm trùng đã được chứng minh qua phản ứng của người lớn tuổi với vắc-xin. Ví dụ, các nghiên cứu về vắc-xin cúm đã chỉ ra rằng ở những người trên 65 tuổi, vắc-xin này kém hiệu quả hơn so với trẻ khỏe mạnh (trên 2 tuổi). Nhưng bất chấp việc giảm hiệu quả, tiêm vắc-xin phòng cúm và S. pneumoniae đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở người lớn tuổi so với khi không tiêm chủng.

Dường như có mối liên hệ giữa dinh dưỡng và khả năng miễn dịch ở người cao tuổi. Một dạng suy dinh dưỡng phổ biến một cách ngạc nhiên ngay cả ở các nước giàu có được gọi là “suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng”. Đây là tình trạng một người bị thiếu một số loại vitamin và khoáng vi lượng cần thiết cho cơ thể từ chế độ ăn uống và có thể xảy ra ở người cao tuổi. Người cao tuổi có xu hướng ăn ít hơn và có chế độ ăn kém đa dạng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu thực phẩm chức năng có thể giúp người cao tuổi duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn hay không. Họ nên xin ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.

Chế độ ăn uống và hệ miễn dịch 

Giống như bất kỳ lực lượng chiến đấu nào, đội quân của hệ miễn dịch cũng cần được nuôi dưỡng tốt từ bên trong mới có thể chiến đấu tốt được. Các nhà khoa học xưa đã nhận ra rằng những người sống trong cảnh nghèo đói và bị suy dinh dưỡng thường dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Nhưng vẫn còn tương đối ít nghiên cứu về ảnh hưởng của dinh dưỡng đối với hệ miễn dịch của con người. Có một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng khác nhau, chẳng hạn như thiếu kẽm, selen, sắt, đồng, axit folic và vitamin A, B6, C và E đã làm thay đổi phản ứng miễn dịch ở động vật khi thử nghiệm trong ống nghiệm. Tuy nhiên, tác động từ những thay đổi của hệ miễn dịch đối với sức khỏe của động vật là ít rõ ràng hơn, và ảnh hưởng của việc thiếu hụt dinh dưỡng tương tự đối với phản ứng miễn dịch của con người vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Vậy bạn có thể làm gì? Nếu bạn nghi ngờ chế độ ăn uống của mình không cung cấp cho bạn tất cả các nhu cầu vi chất dinh dưỡng mà bạn cần, như khi bạn không thích ăn rau củ thì việc sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin tổng hợp và khoáng chất hàng ngày có thể mang lại tác động tích cực nào đối với hệ miễn dịch và những lợi ích sức khỏe khác. Tuy nhiên, việc uống một lượng lớn vitamin là không tốt.

Cải thiện khả năng miễn dịch với các loại thảo dược và chất bổ sung?

Bước vào một cửa hàng, bạn sẽ tìm thấy những chai thuốc và các chế phẩm thảo dược được cho là “hỗ trợ khả năng miễn dịch”. Mặc dù một số thực phẩm chức năng đã được nhận thấy có khả năng làm thay đổi một số yếu tố của chức năng miễn dịch, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng thực sự tăng cường khả năng miễn dịch đến mức bạn được bảo vệ tốt hơn để chống lại tình trạng nhiễm trùng và bệnh tật. Việc chứng minh liệu một loại thảo dược hay bất kỳ thành phần nào của chúng có thể tăng cường khả năng miễn dịch hay không vẫn là một vấn đề rất phức tạp. Ví dụ, các nhà khoa học không biết liệu một loại thảo dược dường như làm tăng mức kháng thể trong máu có thực sự tạo ra bất cứ điều gì có lợi cho khả năng miễn dịch tổng thể hay không.

Tình trạng căng thẳng và chức năng miễn dịch

Y học hiện đại đã đánh giá cao mối liên kết chặt chẽ giữa tâm trí và cơ thể. Nhiều loại bệnh bao gồm đau dạ dày, nổi mề đay, và thậm chí cả bệnh tim đều có liên quan đến tác động của tình trạng căng thẳng về mặt cảm xúc. Tình trạng căng thẳng được hiểu đơn giản là một tình huống được xem là tạo ra căng thẳng cho người này có thể lại là điều bình thường đối với người khác. Khi một người gặp phải những tình huống mà họ cho là căng thẳng, thì rất khó để họ đo lường được mức độ căng thẳng mà họ cảm thấy, và cũng khó cho các nhà khoa học biết được suy nghĩ chủ quan của một người về mức độ căng thẳng có chính xác hay không. Các nhà khoa học chỉ có thể đo những thứ có thể phản ánh tình trạng căng thẳng như số lần tim đập mỗi phút, nhưng các phép đo như vậy cũng có thể phản ánh các yếu tố khác.

Hầu hết các nhà khoa học chỉ nghiên cứu những tác nhân gây căng thẳng liên tục (căng thẳng mãn tính), như các tác nhân gây ra bởi mối quan hệ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, hoặc những thách thức liên tục để hoàn thành tốt công việc của một người. Một số nhà khoa học đang điều tra xem liệu căng thẳng liên tục có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hay không. Trong một thử nghiệm có kiểm soát, các nhà khoa học có thể thay đổi một hoặc chỉ một yếu tố, như lượng hóa chất cụ thể, sau đó đo lường tác động của sự thay đổi đó đối với một số hiện tượng có thể đo lường khác, chẳng hạn như lượng kháng thể được tạo ra bởi một loại tế bào của hệ miễn dịch khi nó tiếp xúc với chất hóa học. Ở một động vật sống và đặc biệt là ở con người, loại thử nghiệm này là không thể do có rất nhiều điều khác xảy ra với chúng tại thời điểm các phép đo đang được thực hiện.

Bất chấp những khó khăn không thể tránh khỏi trong việc đo lường mối quan hệ giữa tình trạng căng thẳng và chức năng miễn dịch, các nhà khoa học đang đạt được nhiều tiến bộ.

Thời tiết mùa đông có làm suy yếu hệ thống miễn dịch hay không?

Các nhà nghiên cứu vẫn quan tâm đến câu hỏi này trên các đối tượng khác nhau. Một số thí nghiệm trên chuột cho thấy rằng tiếp xúc với lạnh có thể làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Nhưng còn với con người? Các nhà khoa học cũng đã thực hiện thử nghiệm đối với những người sống ở Nam Cực và những người tham gia thám hiểm ở Dãy núi Canada. Trong đó, các tình nguyện viên phải ngâm mình dưới nước lạnh trong thời gian ngắn hoặc khỏa thân trong thời gian ngắn dưới nhiệt độ thấp, và cho ra các kết quả không đồng nhất. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở những vận động viên trượt tuyết xuyên quốc gia hay vận động mạnh trong thời tiết lạnh, nhưng liệu những bệnh nhiễm trùng này là do thời tiết lạnh hay các yếu tố khác chẳng hạn như tập thể dục cường độ cao hay do không khí khô.

Một nhóm các nhà nghiên cứu người Canada đã xem lại hàng trăm nghiên cứu y tế về chủ đề này và tiến hành một số nghiên cứu riêng. Họ kết luận rằng không cần phải lo lắng về việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh mùa đông bởi nó không gây ra ảnh hưởng xấu cho hệ miễn dịch của con người. Nhưng bạn vẫn nên mặc ấm khi ra ngoài trời lạnh nếu bạn không thể chịu lạnh hoặc bạn định ở ngoài trời trong thời gian dài vì có nguy cơ xảy ra các vấn đề như tê cóng và hạ thân nhiệt. Nhưng đừng quá lo lắng về khả năng miễn dịch.

Tập thể dục: Thói quen tốt hay xấu cho hệ miễn dịch?

Tập thể dục thường xuyên là một trong những yếu tố then chốt của lối sống lành mạnh. Nó giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp, giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, tập thể dục có giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên và giữ cho cơ thể khỏe mạnh hay không? Cũng tương tự như một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục có thể góp phần củng cố sức khỏe tổng thể và từ đó tạo ra một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Nguồn: https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system

>